Quản lý hoạt động quảng cáo: Quyết liệt để chống... "nhờn" luật

Jun 2, 2021
253 Views
Image

(HNM) - Biển hiệu ghi nội dung chưa đúng quy định, đặt không đúng vị trí, quảng cáo chưa có hồ sơ thông báo… là những vi phạm phổ biến, kéo dài tại các điểm giao dịch, chi nhánh ngân hàng, các cửa hàng, cửa hiệu của doanh nghiệp trong thời gian qua. Thực tế này đòi hỏi việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần được thực hiện thường xuyên, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm tránh tình trạng "nhờn" luật, đồng thời giữ hình ảnh sạch, đẹp, văn minh cho đô thị.

Kiểm tra là ra vi phạm

Đoàn Thanh tra liên ngành của TP Hà Nội vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quảng cáo, viết, đặt biển hiệu thuộc lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn Thủ đô. Kết quả kiểm tra cho thấy 100% điểm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng được thanh tra đều có vi phạm quy định của Luật Quảng cáo cũng như các quy định khác liên quan tới hoạt động quảng cáo.

Đơn cử như hệ thống Ngân hàng TMCP Việt Á có 11/11 địa điểm giao dịch vi phạm về kích cỡ biển, bảng quảng cáo, không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng…; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có hơn 20% chi nhánh vi phạm các lỗi như: Thiếu biển hiệu, biển hiệu đặt không đúng vị trí, bảng quảng cáo có diện tích lớn hơn 20m2 nhưng không có giấy phép xây dựng...; Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) có 14/14 địa điểm giao dịch có bảng quảng cáo vi phạm quy định về kích thước, chữ viết, chưa thông báo sản phẩm quảng cáo…

Không chỉ vi phạm các quy định về thực hiện bảng quảng cáo, viết và đặt biển hiệu, nhiều ngân hàng còn khá chậm trễ trong việc khắc phục hậu quả dù đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý nhiều lần. Như Ngân hàng TMCP Quốc dân, sau khi được thông báo sai phạm và thời hạn sửa sai đến hết ngày 10-10-2017, đã xin gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 10-12-2017, tuy nhiên, đến nay những tồn tại vẫn chưa được khắc phục.

Các ngân hàng nêu đủ lý do dẫn đến việc chậm khắc phục sai phạm, như: Chưa nhận diện được thương hiệu; các bảng, biển quảng cáo được lập trước thời điểm có Luật Quảng cáo; cần nguồn kinh phí lớn để phục vụ công tác chỉnh sửa, thay đổi biển, bảng quảng cáo... Trưởng phòng Phát triển mạng lưới của Ngân hàng TMCP Việt Á Nguyễn Hồng Tân thừa nhận những tồn tại trong lĩnh vực quảng cáo, viết và đặt biển hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do hợp nhất chưa được lâu, mới được cấp lại bảng nhận diện thương hiệu đồng thời đang xây dựng bộ quy chuẩn nên mới triển khai xong công tác rà soát, chưa tiến hành điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện việc thực hiện quảng cáo tại địa điểm theo quy định.

Còn đại diện Ngân hàng TMCP Quốc dân cho biết: Việc chỉnh sửa cả hệ thống biển, bảng quảng cáo không đơn giản, cần có thời gian, lộ trình vì còn phụ thuộc vào vấn đề thi công và nguồn kinh phí, bởi không thể chỉ thực hiện chỉnh sửa 14 điểm ở Hà Nội mà phải triển khai đồng bộ 92 chi nhánh trên phạm vi cả nước.

Đề xuất xử lý các trường hợp "nhờn" luật

Nói về tình hình vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong bối cảnh Nhà nước đã có hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ, bao gồm luật và các văn bản dưới luật, ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết: Vì muốn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu mà phần lớn doanh nghiệp đã vi phạm trong quá trình thực hiện quảng cáo, chủ yếu là vi phạm quy định về kích thước, vị trí, chữ viết…

Nhiều trường hợp sử dụng biển quảng cáo tấm lớn che kín mặt tiền, mặt hông công trình, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Thực tế, trong những năm qua, cơ quan quản lý đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm chấn chỉnh hoạt động này, nhưng đến nay vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động quảng cáo là làm sao vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm trật tự đô thị. Hoạt động này không có tính độc lập mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi vậy, để công tác quản lý hoạt động quảng cáo đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động từ các ngành liên quan như Tài nguyên - Môi trường (quản lý đất đai), Xây dựng (cấp phép xây dựng công trình quảng cáo), Công Thương (hướng dẫn doanh nghiệp từ khi cấp phép thành lập doanh nghiệp để từ đó định hướng thực hiện Luật Quảng cáo cũng như các văn bản dưới luật) và chính quyền địa phương (tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục nhằm hình thành nền nếp, trật tự trong lĩnh vực quảng cáo).

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 đã được hoàn thiện, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Khi được ban hành, văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị bằng bảng ngoài trời; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong khi chờ Quy hoạch này được thông qua, Sở VH-TT Hà Nội đã đề xuất xử lý các trường hợp "nhờn" luật bằng việc nêu danh các doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin của Sở và của UBND TP Hà Nội; ngừng cấp phép cho các đơn vị vi phạm, không cấp phép dài hạn đối với các dạng quảng cáo căng bạt; xử lý các nhãn hàng, đại lý vi phạm quy định về biển, bảng quảng cáo...

Comments
avatar
Please sign in to add comment.