Cách Nhận Biết Bệnh Tiểu Đường Sớm Và Nhanh Nhất Tại Nhà
Chủ Đề: Cách Nhận Biết Bệnh Tiểu Đường
Bệnh tiểu đường là căn bệnh mãn tính, tồn tại âm thầm trong cơ thể cho đến khi phát triển thành các triệu chứng rõ rệt sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Con số này dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên lại có đến gần 70% số người mắc bệnh chưa được chẩn đoán. Vì vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện biến chứng khiến việc điều trị vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Chính vì thế, việc nhận biết bệnh tiểu đường vô cùng cần thiết, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người trung niên 40 tuổi trở lên và người béo phì.
Cách nhận biết tiểu đường bằng việc kiểm tra đường huyết
Theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), bệnh tiểu đường được chẩn đoán theo tiêu chuẩn trong bảng sau:
Xét nghiệm đường huyết | Bình thường | Tiều tiểu đường | Bệnh tiểu đường |
Lúc đói | < 100 mg/dL5.5 mmol/L | 100-125 mg/dL5.6-6.9 mmol/L | ≥ 126 mg/dL7 mmol/L |
Sau 2h uống 75 gam đường | < 140 mg/dL7.8 mmol/L | 140-199 mg/dL7.8-11 mmol/L | ≥ 200 mg/dL11.1 mmol/L |
HbA1c | < 5.7 % | 5.7-6.4% | ≥ 6.5% |
Ngẫu nhiên | < 140 mg/dL7.8 mmol/L | Chưa đủ tiêu chuẩn | ≥ 200 mg/dL11.1 mmol/L |
Xét nghiệm đường huyết lúc đói là xét nghiệm phổ biến và đơn giản nhất để chẩn đoán tiểu đường. Lúc này, người thực hiện xét nghiệm cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhịn qua đêm 8-14 giờ, không uống nước ngọt, chỉ uống nước lọc hoặc nước sôi để nguội).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống cho kết quả chính xác hơn xét nghiệm lúc đói nhưng thực hiện phức tạp và chi phí cao hơn. Người thực hiện xét nghiệm uống 75 gam đường glucose được hòa tan trong 200-300 ml nước và uống trong 5 phút, sau đó lấy mẫu máu kiểm tra sau 2 giờ.
HbA1c là xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường do xét nghiệm cho biết khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, HbA1c chỉ được thực hiện tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: là xét nghiệm đường huyết được đo ở thời điểm bất kỳ trong ngày, không phụ thuốc vào việc đã ăn hay chưa.
Tùy theo từng loại xét nghiệm có mức độ phức tạp khác nhau mà người thực hiện xét nghiệm có thể tự kiểm tra tại nhà hoặc tại các bệnh viện và các cơ sở y tế. Tuy nhiên, để đảm bảo mức chính xác cao nhất, mọi người nên kiểm tra đường huyết tại các bệnh viện lớn, có chuyên môn cao và đáng tin cậy.
Cách nhận biết bệnh tiểu đường thông qua các triệu chứng bất thường
Bên cạnh việc xét nghiệm, chúng ta có thể theo dõi các triệu chứng bất thường để phát hiện bệnh tiểu đường. Cụ thể là các triệu chứng sau:
Khát nước nhiều hơn bình thường, còn gọi là tiêu khát
Bệnh nhân tiểu đường rất hay có cảm giác khát nước vì khi lượng đường trong máu cao sẽ lấy nước từ tế bào để pha loãng đường trong máu khiến tế bào bị mất nước, tạo cảm giác khát nước nhiều.
Mau đói bụng dù vừa mới ăn
Do insulin không thể thực hiện chuyển hóa đường vào tế bào dù đã được tiết ra từ tuyến tụy. Và insulin gây ra cảm giác đói khiến bệnh nhân bị đói bụng dữ dội.
Đi tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm
Do thận phải cố gắng đào thải đường trong máu qua đường nước tiểu. Ngoài ra, do phải uống nhiều nước để bù lại tình trạng mất nước trong cơ thể nên người bệnh càng phải đi tiểu nhiều hơn.
Sụt cân bất thường
Các tế bào trong cơ thể không nhận được đủ đường để chuyển hóa thành năng lượng nên phải lấy trực tiếp năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy trước đó của cơ thể.
Hay thấy mệt mỏi, kiệt sức
Cơ thể người bệnh tiểu đường phải dùng nhiều năng lượng hơn nên bị mệt mỏi nhiều hơn.
Bị mờ mắt
Do bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc làm mắt bị mờ.
Chậm lành các vết thương, vết loét
Do lượng đường trong máu cao, các tĩnh mạch, động mạch bị tổn thương và gây ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu đến các tế bào khiến vết thương lâu lành hơn.
Tê, ngưa ran, đau các chi
Bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh tạo cảm giác tê, ngứa ran kèm theo đau, viêm.
Bị nhiễm trùng
Người bị tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng do lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Trên đây là những cách nhận biết bệnh tiểu đường thông dụng và có độ chính xác cao. Việc trị bệnh sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta thật sự hiểu biết và chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi đến chúng tôi để được giải đáp nhanh nhất.
nguồn : http://thucphamchonguoibenh.com/cach-nhan-biet-benh-tieu-duong/
Comments