Nhung dieu ban can biet ve thai ngoai tu cung
Khi biết được mình mang thai ngoài tử cung, điều lo lắng nhất của tất cả mẹ bầu chính là muốn biết có giữ được thai nhi hay không?
Mang thai là niềm vui và hạnh phúc của rất nhiều phụ nữ. Khi mang thai, mẹ bầu nào cũng đều mong muốn con mình được phát triển khỏe mạnh. Thế nhưng, nếu chẳng may, thai phụ được chẩn đoán mang thai ngoài tử cung thì đây là điều đáng buồn.
Theo các số liệu nghiên cứu, cứ khoảng 1000 thai phụ sẽ có từ 4 – 5 người mang thai ngoài tử cung. Trong đó, có đến 15% phụ nữ đã có tiền sử có thai ngoài tử cung trước đó. Nếu không nhận biết sớm và điều trị kịp thời tình trạng mang thai ngoài tử cung thì phụ nữ có khả năng bị vô sinh.
Thai ngoài tử cung là gì?
Khi phụ nữ mang thai, quá trình thụ tinh sẽ được diễn ra trong ống dẫn trứng, sau đó tế bào trứng sẽ di chuyển đến tử cung và tại đây trứng đã thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung để phát triển thành một thai nhi hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào trứng đã thụ tinh không di chuyển đến tử cung mà chúng lại bám vào thành ống dẫn trứng để phát triển thì tình trạng này được gọi là mang thai ngoài tử cung (chửa ngoài dạ con).
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh bám vào thành ống dẫn trứng để phát triển (Nguồn: Internet)
Thai ngoài tử cung là một biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm, thường xảy ra trong vài tuần đầu của thai kỳ và khả năng sản phụ giữ được thai nhi là rất khó.
Thai ngoài tử cung bao lâu thì phát hiện?
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ có thể phát hiện ra dấu hiệu của tình trạng thai ngoài tử cung thông qua 8 dấu hiệu sau đây:
- Bị rong huyết nhẹ trong thời gian mang thai
- Thường bị buồn nôn và ói mửa
- Hay đau bụng dưới
- Đau nhói bụng
- Một bên cơ thể hay bị đau nhức
- Thường xuyên chóng mặt, mệt mỏi
- Đau vai, cổ hoặc vùng trực tràng
- Ngất xỉu (hiện tượng không quá phổ biến)
Nguyên nhân nào gây thai ngoài tử cung?
Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung, một số nguyên nhân được cho là phổ biến hơn chính là:
- Viêm nhiễm vòi trứng
Viêm nhiễm vòi trứng thường được lây truyền qua đường tình dục. Tình trạng này sẽ gây tắc, hẹp vòi trứng và dễ gây ra thai ngoài tử cung.
- Các bệnh phụ khoa
Các bệnh như viêm vùng chậu, viêm khung chậu… cũng là lý do trực tiếp gây thai ngoài tử cung. Vòi trứng có thể bị tắc hoặc hẹp bởi bệnh lạc nội mạc tử cung, khối u phần phụ chèn ép vòi trứng hay những phẫu thuật lên vùng bụng gây dị dạng vòi trứng.
- Hút thuốc lá
Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá không chỉ làm chậm và khó thụ thai, sẩy thai tự nhiên mà còn gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung ở phụ nữ.
Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mang thai ngoài tử cung như:
- Đặt vòng tránh thai
- Từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, bệnh lậu
- Mắc phải các vấn đề bẩm sinh về ống dẫn trứng
- Từng bị mang thai ngoài tử cung
- Từng phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thất bại (phẫu thuật triệt sản)
- Dùng các loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị vô sinh như việc thụ tinh trong ống nghiệm.
- Sản phụ từng dùng chất diethylsilbestrol trong lúc mang thai.
Những biến chứng của mang thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung nếu không được kịp thời phát hiện có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)
Phụ nữ mang thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Mất máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng
- Thai ngoài tử cung sẽ không được cung cấp đầy đủ các điều kiện như máu và chất dinh dưỡng để tồn tại nên rất khó sống được cho tới khi sinh nở.
- Tăng nguy cơ vô sinh vì người mẹ có thể sẽ phải cắt bỏ vòi trứng.
Thai ngoài tử cung xử lý như thế nào?
Để xử lý thai ngoài tử cung, thai phụ cần phải đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và thăm khám, dựa trên tình trạng của thai đã vỡ hay chưa các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xử lý phù hợp và an toàn nhất với nguyên tắc là làm cho bào thai không tiếp tục phát triển bằng cách phẫu thuật, dùng thuốc hoặc để nó tự tiêu biến.
Nói chung, mang thai ngoài tử cung là tình trạng có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào, do đó, các chị em nên chủ động phòng ngừa bằng cách giảm thiểu các nguy cơ gây rủi ro thông qua lối sống lành mạnh bằng một số biện pháp tại nhà như:
- Tuân thủ chế độ 1 vợ 1 chồng, không quan hệ bừa bãi để ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng vùng chậu.
- Giữ vệ sinh vùng kín, tránh viêm nhiễm
- Ngưng hút thuốc trước khi quyết định mang thai.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian mang thai.
- Nên tiến hành khám sức khỏe phụ khoa và sinh sản định kỳ.
Tài liệu tham khảo
- Trang hellobacsi.com
- Trang eva.vn
- Trang marrybaby.vn
- Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở.
Chửa ngoài dạ con là gì và dấu hiệu nhận biết? : Mang thai là giai đoạn hạnh phúc nhưng cũng đầy mệt mỏi và lo lắng với người phụ nữ. Một trong những nỗi lo khi mới mang thai mà hầu hết chị em nào cũng trải qua là chửa ngoài dạ con.
Chửa bụng dưới khi mang thai là gì, có nguy hiểm không ? : Nhiều mẹ bầu khi thấy phần bụng dưới to hơn phần bụng trên liền rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, hiện tượng này không gây nguy hiểm mà nó còn tiết lộ thông tin thú vị.
Theo VOH Online
Comments